Lễ nhập trạch là gì? Đây là khái niệm chúng ta thường nghe thấy khi ai đó sắp chuyển đến nhà mới. Đó là một nghi lễ quan trọng để báo cáo các vị Thần linh cai quản ngôi nhà, Gia tiên. Vậy lễ cúng nhập trạch cần chuẩn bị những gì, thủ tục ra sao…tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Lễ cúng nhập trạch là gì?
Ý nghĩa của lễ cúng nhập trạch vào nhà mới
Lễ cúng nhập trạch là gì? Theo nghĩa Hán Việt hiểu một cách đơn giản “nhập” là vào, “trạch” là nhà. Lễ nhập trạch được ví giống như “đăng kí hộ khẩu” với thần linh, thổ địa cai quản ngôi nhà. Chính vì vậy, đây là một nghi lễ khá quan trọng trước khi về nhà mới được ông bà tổ tiên lưu truyền nhiều đời nay.
Ý nghĩa của lễ cúng nhập trạch là xin phép thần linh chấp thuận nhập trạch, rước hương linh gia tiên về thờ phụng, phù hộ cho cuộc sống gia đình gặp may mắn, thuận hòa, công việc hanh thông, cuộc sống ấm no.
Cách chọn ngày nhập trạch đẹp, mang may mắn
Chọn ngày đẹp nhập trạch thế nào để gặp nhiều may mắn? Thông thường có 3 cách để chọn ngày, giờ làm lễ nhập trạch, chọn theo hướng nhà hoặc chọn ngày theo tuổi chủ nhà hoặc chọn theo giờ hoàng đạo. Tuy nhiên, nếu ứng dụng tất cả vào để chọn ngày đẹp thì khó có thể tìm được một ngày tốt, phù hợp để làm lễ. Vậy nên gia chủ có thể chỉ cần tránh những ngày xấu trong năm như Tam nương, Nguyệt Kỵ, Sát chủ, Dương công kỵ nhật, tháng 3 (tiết Thanh Minh), tháng 7 (Lễ Vu Lan báo hiếu). Cụ thể:
- Ngày Tam nương: gồm các ngày 3, 7, 13, 18, 22, 27 âm lịch hàng tháng.
- Ngày Nguyệt Kỵ: gồm các ngày 5, 14, 23 âm lịch hàng tháng.
- Ngày Sát chủ: Ngày Tị tháng 1, ngày Tý tháng 2, ngày Mùi tháng 3, ngày Mão tháng 4, ngày Thân tháng 5, ngày Tuất tháng 6, ngày Hợi tháng 7, ngày Sửu tháng 8, ngày Ngọ tháng 9, ngày Dậu tháng 10, ngày Dần tháng 11 và ngày Thìn tháng 12 (tất cả tính tháng âm lịch).
- Ngày Dương công kỵ nhật: theo học giả Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục là những ngày âm lịch sau: Ngày 13 tháng Giêng, 11/2, 9/3, 7/4, 5/5, 3/6, ngày 8 và 29/7, 27/8, 25/9, 23/10, 21/11, ngày 19 tháng Chạp.
Thời gian nhập trạch tốt nhất vào buổi sáng và trong khoảng từ mùng 1 đến ngày Rằm hàng tháng. Không nên thực hiện lễ nhập trạch vào buổi tối và vào những ngày cuối tháng.
Lễ nhập trạch cần chuẩn bị gì chu đáo, đầy đủ
Lễ cúng nhập trạch cần chuẩn bị những gì? Khi đã chọn được thời gian cụ thể tiến hành lễ cúng, các bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ đạc, lễ vật sau.
Đồ đạc cần chuẩn bị trước lễ nhập trạch
- Ban thờ: Nếu chuyển ban thờ ở nơi ở cũ sang thì không chuyển bát hương theo cùng. Bạn có thể để tại nhà cũ chờ tới ngày làm lễ nhập trạch rồi mang qua, hoặc bốc bát hương mới khi chuyển đến.
- Bếp nấu: Dùng bế than, bếp gas hoặc bếp cồn (miễn là có ngọn lửa) để đun nấu trong ngày dọn nhà cần có ánh lửa, tránh không được dùng bếp từ, bếp điện vì các loại bếp này không có lửa.
- Bếp than: Đặt chính giữ lối đi cửa chính để vào nhà. Khi bước vào nhà, các thành viên bước qua bếp than giúp loại bỏ những điều không may mắn trước khi vào nhà.
- Ấm đun nước, bộ ấm chén pha trà, chổi quét nhà, lau nhà, xô đựng nước, gương tròn, chiếu hoặc đệm đang sử dụng, gạo, muối (mỗi loại 1kg).
Mâm lễ cúng Thổ công và Gia tiên
- Gà luộc: 1 con
- Xôi
- Rượu
- Trầu cau, Tiền vàng
- Hoa tươi: 2 bó
- Quả: 5 loại quả
- Gạo, muối: mỗi loại 1 đĩa nhỏ
- Hương
- Nến: 2 cây
- Y mã phục 1 bộ gồm: 1 con ngựa, 1 bộ quần áo, 1 mỹ, 1 đôi hia (tất cả đều màu đỏ).
Lưu ý:
– Nếu nhà làm lần đầu thì gia chủ sắm thêm 1 lễ cúng chúng sinh gồm:
- 30 bộ quần áo chúng sinh
- 500 – 1000 vàng hoa cho chúng sinh
- 1 nồi cháo trắng, múc ra 5 bát để cúng chúng sinh
- Hoa quả: khế, táo, chuối, mía…
- Bỏng, bánh kẹo: bỏng ngô, bỏng nếp, bim bim, kẹo dồi, kẹo lạc.
- Khoai lang, khoai sọ luộc
– Nếu là nhà mặt đất thì chuẩn bị nước ngũ vị để hàn long mạch. Mua một gói ngũ vị ở hàng mã, cho 2 lít nước vào nấu rồi gạn lấy nước để hàn long mạch.
Thủ tục làm lễ cúng nhập trạch vào nhà mới
Trước khi làm lễ cúng nhập trạch vào nhà mới các bạn nên lưu ý một số việc sau:
- Lễ cúng nhập trạch vào nhà mới được thực hiện chính xác giờ đã xem và chỉ có người trong nhà mới có mặt tại đây. Tránh mời thêm bạn bè, khách khứa vì đây không phải là tiệc tân gia. Cần hiểu và phân biệt rõ ngày nhập trạch và ngày tân gia là khác nhau để không phạm phải sai lầm nghiêm trọng này.
- Nếu nhà có người đang mang thai thì tốt nhất không nên dọn nhà. Trong trường hợp cấp bách không thể không dời nhà thì nên mua một cái chổi mới tinh, để đích thân người mang bầu quét qua các đồ đạc một lượt rồi mới chuyển, như vậy mới không phạm tội “Thần thai”.
- Những người giúp dọn nhà không được là người cầm tinh con Hổ để tránh “rước Hổ dữ vào nhà” (theo ông bà ta xưa, đây là phép tắc giữ gìn sự hanh thông, bình an cho cả nhà, bách bệnh không phát sinh, tài vận tiến đến, cả nhà vui vẻ).
Trước khi làm lễ vào nhà mới cần mở tất cả cửa sổ, bật hết đèn điện sáng trong nhà và đặt bếp than đã nhóm lửa ngay trước cửa chính (cửa ra vào). Khi đến đúng ngày giờ đẹp đã chọn thì tiến hành thủ tục nhập trạch sau:
Nếu là 1 gia đình có đầy đủ vợ chồng con cái thì đầu tiên là vợ gia chủ cầm 1 cái gương tròn đem vào nhà trước (mặt gương soi vào nhà). Kế đến là gia chủ tự tay cầm bát hương bước qua bếp than củi được đặt ở vị trí giữa cửa chính vào đặt lên ban thờ.
Tiếp theo đó lần lượt những người trong nhà mới đem vào: bếp lửa (tốt nhất là bếp còn đang cháy đỏ từ nhà cũ đem tới); chiếc chiếu hoặc đệm đang sử dụng, chổi, gạo, nước, muối, đồ tư trang quý giá…Không nên đi tay không vì nó mang ý nghĩa không có của cải. Mâm lễ cúng nhập trạch đi cuối cùng.
Nếu nhà vắng đàn ông thì người mẹ bưng bát nhang vào trước đặt lên ban thờ, kế đến là con cái lần lượt mang bếp, chiếu, chổi, gạo, nước… vào.
Cách bài trí đặt bát hương và mâm lễ cúng trên bàn thờ gia tiên
- Bát hương: Theo hướng từ dưới nhìn lên: Thần linh đặt giữa; Gia tiên bên phải, bà cô (nếu có) bên trái;
- Xôi gà: đặt bên phải (từ ngoài nhìn vào)
- Lễ chay: đặt bên trái
- Y mã phục đặt trên ban thờ hoặc trên chiếc bàn trước ban thờ;
- Lễ chúng sinh đặt trước cửa.
- Đổ đầy nước vào xô, tượng trưng cho của cải dồi dào.
Các bước hành lễ và văn khấn cúng nhập trạch về nhà mới.
Lễ lần 1 – Cúng Thổ công (Thần linh): Thắp 3 nén hương, cắm bát hương thần linh trước, rồi đến bát hương gia tiên và bà cô. Rót rượu vào 3 chén trên ban thờ (chỉ rót ít vì còn phải rót 2 lần nữa mới đầy chén), sau đó đọc bài khấn Thổ công (Thần linh).
Bài văn khấn Thổ công (Thần linh) cúng nhập trạch về nhà mới
Lễ lần 2 – Cúng an trạch (trong trường hợp xây nhà mới): Cúng Thổ công xong thì thắp tiếp 1 nén hương, rót tiếp một ít rượu vào 3 chén; bắc bếp đun nước (nước đun trên bếp lần đầu tiên ở nhà mới phải để cho sôi 5 – 10 phút, lâu hơn càng tốt, mới tắt lửa), tiếp đó pha trà, rót trà ra chén đặt dưới chiếu cúng trước ban thờ, sau đó đọc bài khấn an trạch.
Bài văn khấn an trạch lễ nhập trạch
Lễ lần 3 – Cúng gia tiên: Cúng an trạch xong thắp tiếp 1 nén hương; rót rượu đầy vào 3 chén; dâng trà lên ban thờ để cúng gia tiên, sau đó đọc bài khấn gia tiên.
Bài khấn gia tiên lễ nhập trạch
Hàn long mạch (trong trường hợp xây nhà mới): Nếu trường hợp xây nhà mới, cúng gia tiên xong thì thắp 1 nén hương cắm vào ca đựng nước ngũ vị đặt trước ban thờ. Khi hết hương thì lấy nước đó tưới xung quanh nhà vào chân tường phía bên ngoài để hàn long mạch. Nếu nhà liền kề thì tưới chân tường phía trong nhà cũng được nhưng phải để 1 ngày 1 đêm mới được lau; phía trước cửa thì tưới phía ngoài.
Cúng chúng sinh (trong trường hợp nhà xây mới): Thắp 5 nén hương, múc 1 bát nước lã rồi cúng chúng sinh. Cúng xong rắc 3 nhúm gạo và 3 nhúm muối ra trước cửa; còn lại để dùng.
Cuối cùng hành lễ nhập trạch nhà mới xong, chúng ta tiến hành dọn lễ, hóa vàng. Lưu ý hóa vàng trên bàn thờ rồi mới hóa vàng cúng chúng sinh.
Trên đây là những thông tin cần thiết giúp bạn trả lời câu hỏi: Lễ cúng nhập trạch là gì? Hi vọng rằng sẽ giúp các bạn chuẩn bị thật tốt cho lễ cúng nhập trạch vào nhà mình, luôn gặp may mắn trong cuộc sống.